Dệt may Việt Nam không thể sao chép cách làm của các hãng thời trang ngoại
Theo ông Lê Tiến Trường chủ tịch Vinatex, dệt may Việt Nam không thể sao chép cách làm, hay chiến đấu trực diện với các thương hiệu toàn cầu mà phải đi vào thị trường ngách, khác biệt.
Tóm tắt nội dung
Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ về những thách thức của doanh nghiệp dệt may trong nước trước những "người khổng lồ" - các hãng thời trang ngoại như Uniqlo, Zara, H&M...
- Chinh phục thị trường 100 triệu dân vẫn là chuyện "nói mãi" của doanh nghiệp may mặc trong nước. Ông nghĩ sao về thực tế này?
- Doanh nghiệp dệt may vẫn phát triển thị trường nội địa. Năm ngoái, thị trường trong nước tăng 40% so với 2021, trong đó giống xuất khẩu, dệt may trong nước tăng rất tốt ở nửa đầu năm và bắt đầu khó khăn từ quý III.
Quý IV, nhiều thương hiệu tốt, như Việt Tiến, bán chậm lại, doanh số giảm. Hay như trung tâm thời trang của Vinatex, các năm trước doanh thu cuối năm trên 1 tỷ đồng mỗi ngày thì năm nay mức thu cao nhất chỉ 500-600 triệu đồng.
Hai năm qua, không ít hãng thời trang nội địa đã giảm số cửa hàng, hạn chế mở mới. Họ đành "tụ" về những địa điểm nhất định để giảm chi phí, tối ưu hoá vận hành và cố gắng đưa ra sản phẩm đủ hấp dẫn với thu nhập của người tiêu dùng.
Thực tế, tiêu dùng trong nước phụ thuộc vào kinh tế, mức thu nhập của người dân. Công bố của Bộ Kế hoạch & Đầu tư năm 2022 cho thấy, mức lương bình quân khối sản xuất chỉ quanh 6,5 triệu đồng một người một tháng. Tức là, với nền tảng thu nhập này, doanh nghiệp cắt giảm hết chi phí, chấp nhận biên lợi nhuận thấp thì cũng khó kích cầu trên diện rộng.
- Sức mua giảm nhưng vẫn có hãng thời trang nước ngoài, như Uniqlo, năm qua mở rộng thêm các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam. Ông nghĩ sao về xu hướng này?
- Với các hãng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ là một trong số chiến lược, mục tiêu họ đang làm. Các hãng thời trang như Zara, H&M đều không có lãi khi vào Việt Nam. Tức là họ chấp nhận lỗ ở Việt Nam để mở rộng thị trường, nhưng lãi ở các thị trường khác, tính chung toàn cầu thì số lỗ kia không là vấn đề gì. Đó là ưu thế của thương hiệu toàn cầu, doanh nghiệp toàn cầu.
Với doanh nghiệp Việt Nam thì khác. Chúng ta phát triển thị trường nội địa phải căn cơ, là làm thương hiệu tương ứng với năng lực hệ thống phân phối mình có.
Doanh nghiệp may mặc, thời trang Việt Nam làm, phát triển thị trường nội địa không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn khi mở, khai trương ồ ạt trung tâm, cửa hàng để "phủ bóng ồ ạt". Chúng ta không thể chiến đấu trực diện kiểu đó, mà phải dựa trên nền tảng phân tích nội lực, làm theo kiểu riêng, phù hợp với người Việt Nam.
Như May 10, Đức Giang, Nhà Bè... cũng đang "đi hai chân" trong thị trường nội địa. Chẳng hạn, năm ngoái May 10 đưa ra thương hiệu thời trang nữ DeTheia, đầu tư chỉn chu theo quy trình quốc tế, từ thiết kế tới sản xuất, may đo riêng theo gu của người Việt... Hướng đi này là chọn cách đánh "du kích" bên cạnh "anh lớn", đi vào thị trường ngách - nơi những thương hiệu thời trang lớn nước ngoài, với sự cồng kềnh của mình không phục vụ được.
Ở đây là câu chuyện "đánh nhau" giữa tí hon và khổng lồ, vấn đề là chọn cách đánh nào. Chúng ta chọn cách đánh như người khổng lồ thì ngã là chắc.
- Nhìn lại năm 2022, ông thấy thế nào?
- 2022 là năm rất đặc biệt, nhiều cảm xúc với dệt may. Sáu tháng đầu năm tăng trưởng tốt, sức mua tăng trở lại sau hai năm dịch bệnh. Nhưng bản thân những người làm dệt may chúng tôi nhận thấy có gì đó hơi bất thường, đơn hàng quý I và II rất cao. Người tiêu dùng các nước xuất hiện tâm lý mua nhiều hơn thứ mình cần, tức "quá mua" khiến đơn hàng tăng vọt.
Bên cạnh đó, các hãng tiêu dùng cũng đặt hàng với số lượng lớn hơn trước đây do lo ngại thời gian vận chuyển, giao hàng kéo dài vài tháng. Điều này khiến lượng đơn hàng tăng vọt. Tăng trưởng dệt may nửa đầu năm tới 30%, gấp 5-6 lần bình quân các năm trước.
Tình hình thay đổi đột ngột ở nửa sau năm 2022. Cuối tháng 6, nhiều hãng tiêu dùng có lượng hàng tồn kho tăng 50-60%. Thị trường bắt đầu xấu đi từ tháng 8 và đi xuống từ tháng 9. Lãi suất, lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may như Mỹ, châu Âu... khiến cầu co rút rất nhanh, sức mua giảm. Dệt may nằm trong nhóm 5 mặt hàng tiêu dùng giảm khi lạm phát cao.
Cầu thấp, các nhà sản xuất tranh nhau để có, giữ đơn hàng. Đơn giá hàng Việt lại đắt hơn một số đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan...) do tỷ giá VND/USD cao hơn đồng nội tệ các nước này so với USD. Điều này buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán để giữ đơn hàng.
Áp lực này làm cho rất nhiều doanh nghiệp lao đao, không có tích luỹ tốt thì khó duy trì được dòng tiền. Làm dệt may 25 năm, chưa bao giờ tôi thấy chỉ trong 1 tháng mọi tín hiệu thị trường "xoay chiều", khác biệt đến thế.
- So với các đối thủ thì vị trí, lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam ở đâu?
- Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44-45 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đứng thứ hai sau Bangladesh, với mức tăng 10,5-11% vào năm ngoái.
Doanh nghiệp Việt có đặc tính năng lực cạnh tranh khác biệt các đối thủ, có thể làm được đơn hàng nhỏ, nhiều loại sản phẩm, kỹ thuật khó. Đơn hàng nhỏ vẫn là xu thế tới đây, các nhà mua không đặt số lượng quá lớn, chỉ vài nghìn đơn vị trên một đơn hàng.
Chẳng hạn, có mã hàng nhà mua nước ngoài chỉ đặt 700 sản phẩm nhưng May 10 vẫn làm được. Điều này cho thấy doanh nghiệp có kỹ năng quản trị tốt, nhanh nhạy thay đổi để thích ứng. Về nguyên tắc, đơn hàng nhỏ sẽ rất khó quản trị sản xuất trên mặt bằng nhà xưởng rộng, chuyên làm hàng chục mã hàng cùng lúc. Ngoài ra, năng suất lao động tốt là yếu tố giúp doanh nghiệp bù đơn giá cao so với đối thủ.
Cầu hiện giảm nhưng sẽ quay trở lại. Hành xử của các nhà mua hàng toàn cầu không phải giảm đặt hàng, giảm mua ở tất cả doanh nghiệp. Họ chọn và ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp tốt, nên vừa rồi có doanh nghiệp tăng trưởng tốt, 5-10%, nhưng cũng có đơn vị thiếu đơn hàng tới kiệt quệ.
- Vinatex có lợi thế gì để là lựa chọn của nhà mua hàng khi sóng phục hồi tới?
- Chúng tôi xác định hai mục tiêu phải giữ vững, là giữ chân người lao động và đảm bảo vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Năm ngoái, dệt may, da giày và gỗ là 3 lĩnh vực giảm lao động nhiều nhất. Nhưng Vinatex không giảm, mà tuyển thêm và lương bình quân tăng 15% so với 2021, mức 9,7 triệu đồng một người một tháng. Để làm được điều này, chúng tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để ổn định lao động, nhất là người lành nghề. Sẽ rất khó tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm nếu họ nghỉ việc.
Không có chính sách ổn định giữ chân lao động, doanh nghiệp sẽ rất khó duy trì vị thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Về mục tiêu duy trì vị trí trong chuỗi sản xuất, đơn hàng không đem lại hiệu quả lợi nhuận cao Vinatex vẫn làm. Nhà mua hàng đặt, thuê đơn vị khác, sau này kéo họ quay lại không dễ.
Vinatex chấp nhận hy sinh tài chính ngắn hạn để chờ sự phục hồi của thị trường, khi sóng phục hồi đến, nhà mua đến với mình trước tiên.
- Ông dự báo như thế nào về kịch bản phục hồi năm 2023 của xuất khẩu dệt may?
- 2022 là bài học cho những người làm dệt may khi khó đưa ra kịch bản dự báo dài hạn như trước.
Nếu việc tăng lãi suất, nhất là Mỹ, chưa dừng lại, lạm phát chưa được kiểm soát... thì không ai dám khẳng định kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm" ở nửa đầu năm. Chưa kể, nhiều dự báo chỉ dấu về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu trên diện rộng. Ngược lại, nếu kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm" trong hai quý đầu năm, cầu sẽ bật lại rất nhanh, do sự suy giảm vừa qua phần lớn là giảm cầu tâm lý.
Nhìn chung, hiện không ai dám dự báo kịch bản tăng trưởng dệt may năm 2023 sẽ thế nào. Tình hình hiện tại cho thấy cầu vẫn thấp trong quý I và phụ thuộc nhiều vào tín hiệu kinh tế thế giới.
- Giải pháp nào để doanh nghiệp ứng phó với kịch bản cầu tiếp tục giảm, thưa ông?
- Toàn ngành dệt may hiện có 13.000 doanh nghiệp, mỗi đơn vị có cách ứng phó khác nhau, chứ không có đơn thuốc chung cho tất cả. Ngay trong Vinatex, giải pháp ứng phó của các đơn vị thành viên cũng khác nhau.
Tất nhiên, Vinatex có lợi thế hơn những đơn vị khác là có đa dạng lĩnh vực sản xuất (sợi, dệt, nhuộm, may...), nên khi cầu còn thấp chúng tôi tận dụng để tăng kết nối năng lực chuỗi nội bộ.
Tăng liên kết nội bộ cũng giúp chúng tôi liên thông về nguồn vốn lưu động, giảm tải tồn kho trên hệ thống của nhau, từ đó tạo ra dư địa cạnh tranh với giá tốt hơn và đảm bảo việc làm, giữ lao động.
Theo Vnexpress