SuaMayKhau.Com

Dệt may Việt Nam trước những mục tiêu đầy tham vọng

Lượt xem: 519

Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đặt ra mục tiêu xuất khẩu vẫn tăng đến hàng tỉ đô la trong năm 2023, phá kỷ lục đạt được của năm 2022

Tóm tắt nội dung

    Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt khoảng 700 tỉ đô la Mỹ, giảm 8% so với năm ngoái, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách. Điều đáng chú ý là tham vọng tăng trưởng doanh số xuất khẩu thêm hàng tỉ đô la, vượt kỷ lục đạt được của năm 2022.

    Liệu mục tiêu đặt ra của ngành có quá tham vọng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nhiều khó khăn và người tiêu dùng ở các thị trường chính đang cắt giảm chi tiêu?

    Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đặt ra mục tiêu xuất khẩu vẫn tăng đến hàng tỉ đô la trong năm 2023, phá kỷ lục đạt được của năm 2022. Ảnh minh họa: website Vinatex

    Quá khó khăn với đơn hàng sản xuất

    Từ khi được nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, anh Văn Tuấn, nhân viên của một công ty may mặc tại TPHCM, vẫn chưa trở lại với công việc. Anh cho biết do công ty bị sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu nên lãnh đạo công ty quyết định cho người lao động nghỉ Tết sớm từ hồi giữa tháng chạp Tết và trở lại công việc sau Tết chậm hơn khá nhiều. Tận dụng thời gian nghỉ dài ngày lên đến hơn 1 tháng, thời gian qua, từ vùng quê ở Bình Định anh đã vi vu khám phá các vùng miền ở các tỉnh phía Bắc để có thể bắt đầu trở lại công việc vào giữa tháng 2 tới.

    “Đã gắn bó với công ty may mặc này được hơn 12 năm, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận sự âu lo của ban lãnh đạo về đơn hàng sản xuất bị sụt giảm mạnh mà chưa có lối ra và cũng là lần đầu tiên những người lao động chúng tôi có được thời gian nghỉ ngơi dài do không có việc làm lên đến hơn cả tháng nay”, anh Văn Tuấn chia sẻ.

    Còn tại Công ty TNHH May mặc Thành Đạt đến thời điểm hiện nay cũng vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng sản xuất của các nhà nhập khẩu. Trong khi thông thường từ tháng 10 năm trước hoặc chậm nhất là 2 tháng cuối năm, doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất của quí đầu năm sau.

    Là đơn vị chuyên gia công quần áo thời trang xuất đi thị trường Mỹ và châu Âu, ông Lê Nhung, Giám đốc công ty, cho biết công ty đang chờ đợi tín hiệu từ các đối tác nhập khẩu ở các thị trường chính này. Do chưa có đơn hàng sản xuất nên đến nay khoảng 30% người lao động tại doanh nghiệp này phải tạm ngưng việc chờ đơn đặt hàng quay trở lại. Khó khăn này tiếp tục là thách thức với công ty Thành Đạt khi kết thúc năm ngoái tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã bị sụt giảm khoảng 40% so với năm trước đó.

    Đề cập đến việc khai thác thị trường khác để thay thế thị trường truyền thống ở Mỹ và châu Âu, ông Lê Nhung cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao và khó khăn toàn cầu hiện nay khó có thể tìm thị trường khác thay thế. Hiện công ty đang trông chờ vào các đối tác ở thị trường xuất khẩu Mỹ và châu Âu nhập hàng trở lại. Ông Nhung hy vọng các đối tác mua hàng ở các thị trường này sẽ nhận đơn hàng trở lại từ tháng 5 tới, đặc biệt là Mỹ.

    Không riêng công ty Thành Đạt, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp dệt may đang ngấm đòn khó khăn.

    Tổng hợp thông tin từ các hội viên của Agtek, ông Hồng cho biết nếu như những tháng cuối năm vừa qua đơn hàng xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp bị sụt giảm khoảng 25% thì bước qua quí đầu năm 2023, tỷ lệ này là 30-40%.

    Nhiều doanh nghiệp đã quay lại guồng công việc sau Tết, nhưng cũng có một số doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn chưa quay trở lại hoạt động do không có đơn hàng sản xuất. Do đó, đã xảy ra tình trạng có lượng người lao động phải nghỉ Tết kéo dài cả tháng trời như trường hợp anh Văn Tuấn. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra với những doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ và số lượng lao động ít. Đa số người lao động đã quay trở lại làm việc dù đơn hàng đang bị sụt giảm mạnh.

    Dù vậy, người đứng đầu ngành dệt may của thành phố đánh giá tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn với diễn biến ở các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục chứng kiến tình trạng lạm phát tăng cao, khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… Với sự kỳ vọng nhiều lạc quan, ông dự báo tình hình đơn hàng sản xuất có thể bị sụt giảm kéo dài đến giữa năm nay.

    Tạo động lực mới cho phát triển hay mục tiêu quá tham vọng?

    Báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ McKinsey về bức tranh ngành thời trang năm 2023 đã chỉ ra 3 rủi ro chính đối với doanh nghiệp ngành này trong năm 2023 và được cho là vượt cả giai đoạn bị ảnh hưởng do Covid-19. Đó là lạm phát, bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng.

    Dệt may là ngành phản ứng khá nhạy với diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát. Đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

    Nhiều doanh nghiệp dệt may đang bị sụt giảm mạnh đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: Vinatex

    Trong năm 2023, kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều biến động và khó lường, các chuyên gia trong ngành dệt may dự báo tổng cầu dệt may thế giới dự kiến khoảng 700 tỉ đô la Mỹ, giảm 8% so với năm 2022.

    Dù vậy, người đứng đầu ngành dệt may trong nước vẫn đưa ra mục tiêu xuất khẩu trong năm nay vượt kỷ lục đạt được khoảng 44 tỉ đô la của năm 2022 lên 47-48 tỉ đô la.

    Không it ý kiến hoài nghi về mục tiêu này của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bởi ngay báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ rất khó khăn, “ảm đạm hơn” so với dự báo ​​trước đây. Một số tổ chức kinh tế thế giới cũng đưa ra nhận định, năm 2023, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,8%.

    Trên thực tế từ quí 3-2022 trở đi, nhất là quí cuối cùng của năm vừa qua, thị trường dệt may lao dốc khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quay đầu đi xuống và tình hình này kéo dài cho đến nay, thậm chí là xấu hơn nhiều.

    Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, trong năm 2023 ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, giá nhân công lao động và suy thoái kinh tế. Đáng lưu ý, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đẩy nhu cầu suy giảm trên cả thị trường trong nước lẫn các nước nhập khẩu lớn: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

    Ngoài ra, trong bối cảnh tỉ giá đô la Mỹ leo thang, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu đơn hàng lớn có xu thế mất giá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu ngành dệt may tại Việt Nam.

    Trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KIS, đội ngũ phân tích cho rằng, 2023 sẽ là một năm đầy thử thách cho ngành dệt may do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm may mặc. Điều này cũng đã thể hiện bằng thu thập của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn đặt hàng trước cho quí 1/2023 đã giảm 25-27% so với cùng kỳ, báo hiệu một năm nhiều khó khăn phía trước.

    Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam: Mỹ, EU, thậm chí cả Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023. Nghiên cứu của VNDirect chỉ ra rằng các các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 7-2022 do lượng hàng tồn kho tăng cao tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike, … Theo báo cáo hàng quý mới nhất, về lượng hàng tồn kho, Adidas và Nike có mức tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ bởi sức tiêu thụ yếu.

    Trong khi đó, báo cáo cập nhật cổ phiếu ngành dệt may năm 2023 được công bố gần đây, SSI Research cho rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường. Ngoài sự khác biệt giữa thời trang cao cấp và các phân khúc khác trong ngành dệt may, sự khác biệt giữa các vùng cũng sẽ được thể hiện rõ. Nền kinh tế Mỹ, mặc dù dự kiến sẽ chậm lại, nhưng được dự báo vẫn sẽ là thị trường có quy mô lớn hơn các nền kinh tế lớn khác.

    Trong khi đó, SSI Research dẫn d liu t Mỹ vn cho thy mc tn kho tại thị trường xứ cờ hoa cao trong toàn ngành d kiến s kéo dài đến quí 2 năm 2023. Các đơn đt hàng s bt đu tăng tc trong quí 3/2023, mc dù trin vng tăng trưng lnhun (theo năm) vn không chc chn trong na cui năm 2023.

    “Vitas dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45 đến 47 tỉ đô la (tăng 7 đến 11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quí 4/2022 và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023”, theo nhận định trong báo cáo của SSI Research.

    Chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi, và doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn.

    Ngành dệt may đối diện nhiều thách thức. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

    Tương tự, trong báo cáo chiến lược năm 2023, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định triển vọng của ngành dệt may vẫn xấu đi trong nửa đầu năm 2023, phải đến 6 tháng cuối năm tình hình đơn hàng mới tích cực trở lại, giá nguyên liệu đầu vào dự kiến sẽ giảm, hạ bớt áp lực chi phí nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may. Mỹ (thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam) có thể lượng đơn đặt hàng từ thị trường này thu hẹp lại trong nửa đầu 2023.

    “Chúng tôi kỳ vọng lạm phát ở thị trường xuất khẩu sẽ giảm bớt để giúp doanh số bán lẻ dần phục hồi. Các thương hiệu toàn cầu đang tích cực xử lý hàng tồn kho trong 6 tháng năm 2023, từ đó chúng tôi kỳ vọng đơn hàng sẽ tích cực trở lại từ nửa sau 2023”, các chuyên gia của VDSC nhận định.

    Không chỉ những công ty, mà chính một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng hoài nghi về mục tiêu xuất khẩu cao mà Vitas đưa ra. Sự hoài nghi về mục tiêu xuất khẩu cao này cũng được KTSG Online đặt ra với Chủ tịch Vitas và được Chủ tịch Vũ Đức Giang cho rằng: “Chúng ta có cơ sở để đặt ra tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỉ đô la. Việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều đó là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất”.

    Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

    Tương tự, tại báo cáo chiến lược năm 2023, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cũng nhận thấy một điểm tích cực trong năm 2023 là một số mặt hàng may mặc sẽ bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào EU theo hiệp định EVFTA. Điều này đã phần nào hỗ trợ tích cực hơn trong việc xuất khẩu vào thị trường này trong bối cảnh thị phần hàng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4%.

    Ngoài ra, CPTPP sẽ hỗ trợ hàng Việt Nam ở các thị trường mới tiềm năng như Canada và Mexico. Theo Tổng cục hải quan, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Canada và Mexico tăng trưởng cao trong 11 tháng năm 2022, ước đạt lần lượt 1,2 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ và 162,5 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ.

    Trước những dự đoán trên, Mirae Asset cho rằng, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam trong năm 2023 vẫn có tăng trưởng nhẹ với 2% so với cùng kỳ năm 2022.

    Mặc dù cũng nhận định dệt may năm nay sẽ rất khó khăn, nhưng theo VDSC, các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với mức giảm thuế cao hơn vào năm 2023 sẽ giúp xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng (giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 của Việt Nam tại các thị trường đã ký kết hiệp định EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ).

    Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào trong năm 2023 dự kiến sẽ giảm so với mức của năm 2022, hạ bớt áp lực chi phí nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may.

    Tuy nhiên, theo VDSC, sức dùng suy yếu thì hàng dệt may suy yếu, đặc biệt là các thị trường chủ lực. Tiêu hóa hàng tồn kho của thương hiệu nhanh hơn hoặc chậm hơn so với dự kiến sẽ là những rủi ro ngành hàng có thể đối diện.

    Theo KTSG Online